Đăng kiểm là thủ tục bắt buộc đối với mọi loại ô tô. Tuy nhiên, có không ít tài xế chưa hiểu rõ mục cũng như các lưu ý quan trọng của công việc này. Nhân viên cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra các thông số về an toàn và vận hành, bảo vệ môi trường của xe, không phải toàn bộ các hạng mục trong xe.
Dưới đây là một số lưu ý khi đưa xe đi đăng kiểm mà các tài xế ô tô cần biết.
1. Tổng hợp các lưu ý về đăng kiểm xe ô tô cho tài xế
Khi nào cần đăng kiểm
Chủ xe cần làm đăng kiểm trong các trường hợp sau: xe mới; xe cũ hết hạn đăng kiểm; xe có thay đổi về mặt kết cấu. Với trường hợp xe sang tên, di chuyển (thay đổi vùng) chỉ cần làm lại giấy tờ nếu sổ đăng kiểm cũ còn hiệu lực (không cần làm thủ tục khám xe).
Với xe con 4-9 chỗ, lần đăng kiểm đầu sẽ có hạn 2,5 năm. Sau đó, cứ mỗi 1,5 năm (tới năm thứ 7, tính từ năm sản xuất), tài xế cần mang xe đi đăng kiểm. Từ sau năm thứ 7, định kỳ đăng kiểm là một năm. Từ sau năm thứ 12 sẽ về còn 6 tháng đến khi hết hạn hoặc xe không còn đủ điều kiện để lưu thông.
Với xe kinh doanh dịch vụ vận tải, lần đầu đăng kiểm có hạn 1,5 năm. Sau đó, định kỳ rút xuống 6 tháng/lần.
Giấy tờ cần chuẩn bị
Xe nhập khẩu đăng kiểm lần đầu: tờ khai nguồn gốc ôtô nhập khẩu, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, giấy hẹn đăng ký từ cơ quan công an, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc, bản cà số khung, số máy.
Xe lắp ráp đăng kiểm lần đầu: giấy chứng nhận xuất xưởng (phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng), giấy hẹn đăng ký từ cơ quan công an, bảo hiểm TNDS bắt buộc, bản cà số khung, số máy.
Xe cũ: đăng ký gốc, bảo hiểm TNDS bắt buộc, sổ đăng kiểm cũ.
Một số lỗi khi đăng kiểm
Với những lỗi này, xe sẽ không vượt qua được bài kiểm tra: lỗi phanh, đèn, còi, màu sơn, thay đổi chiều dài, rộng, cao, lỗi tự ý thay đổi thông số lốp (ví dụ thay vành 17 inch thành 18 inch); tự ý lắp thêm đèn không đúng trong quy chuẩn như LED bar, còi hụ, đèn nháy (nếu không phải là xe ưu tiên); xe không đủ điều kiện về khí thải hay có lỗi trong hệ thống thước lái, vô-lăng.
Cũng có một số lỗi nhẹ sẽ được đăng kiểm và về khắc phục sau: ví dụ lỗi hệ thống điều hòa, lốp mòn, hay lỗi một số hệ thống liên quan đến tính năng mở rộng của xe như cảnh báo điểm mù, cảm biến.
Ôtô “độ” có được đăng kiểm?
Một số bộ phận được nâng cấp mà không ảnh hưởng đến đăng kiểm như camera lùi, cảm biến, camera hành trình, màn hình, loa trong xe, thay đổi đèn từ nguyên bản sang đèn projector hay LED nhưng vẫn đảm bảo quy chuẩn về ánh sáng.
Những kiểu nâng cấp không được chấp nhận, theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ: phạt 800.000-1.000.000 đồng nếu tài xế điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.
Xe lắp thêm đèn được hiểu là những loại đèn không đúng quy chuẩn như phía trên, chứ không giới hạn việc nâng cấp đèn để tăng hiệu quả chiếu sáng, nhưng cần lưu ý việc tăng sáng này phải theo quy chuẩn của cục đăng kiểm và không ảnh hưởng đến người đi đường. Thực tế, đăng kiểm không xử phạt việc độ bóng cho đèn pha.
Quy trình đăng kiểm: xếp xe (1-3 phút), vào làm hồ sơ (5 phút), chờ xe (15-20 phút) + nộp phí và chờ tem. Thông thường quy trình này sẽ là khoảng 30 phút nhưng sẽ thay đổi phụ thuộc vào lượng xe và thời gian chờ tại mỗi trạm.
Chi phí đăng kiểm: Với xe con, phí kiểm định là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận 50.000 đồng.
Lưu ý: nên đóng phí bảo trì đường bộ trùng với thời hạn đăng kiểm, tránh lãng phí hoặc chưa hết hạn đăng kiểm đã hết phí bảo trì. Kiểm tra tình trạng xe trước khi đăng kiểm, chuẩn bị đủ giấy tờ theo quy định, tìm điểm đăng kiểm phù hợp. Hiện nay, một số xe sẽ không được đăng kiểm nếu không đóng phí phạt nguội theo quy định. Với xe thay đổi kết cấu sẽ phải làm hoán cải, đăng kiểm lại và thay đổi đăng ký.