Như chúng ta đã biết, ắc quy là một trong những bộ phận có vai trò thiết yếu đến khả năng vận hành của xe. Từ việc khởi động đến việc cung cấp năng lượng cho mọi thiết bị điện tử đều phụ thuộc vào ắc quy. Trong đó tuổi thọ của ắc quy axit chì thường kéo dài từ 2-5 năm. Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tuổi thọ của ắc quy, vì vậy ắc quy ở những khu vực nhiệt đới thường có tuổi thọ thấp hơn so với các khu vực ôn đới hay hàn đời. Vì vậy các chủ xe cần có cách chăm sóc bảo dưỡng đúng cách để duy trì tuổi thọ.
Cách chăm sóc bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ
1. Lắp ắc quy chính hãng, chính xác:
Việc lắp ắc quy chính xác sẽ hạn chế được những rung động mạnh có thể gây va đập hay làm đoản mạch ắc quy. Vì vậy, sau khi di chuyển trên đường gồ ghề, gập ghềnh hay đi offroad, các tài xế cũng nên kiểm tra lại xem ắc quy xem đã được gắn chặt chưa?
2. Kiểm soát sự ăn mòn trên các cực
Các cực của ắc quy cũng nên được làm sạch thường xuyên để tránh hiện tượng ăn mòn. Trước khi thực hiện, tài xế phải dừng xe và tắt máy hoàn toàn. Sau đó có thể dùng baking soda để chà sạch các đầu cực. Sau đó dùng nước sạch rửa lại cho hết hỗn hợp, chú ý chỉ dùng vòi xịt nhỏ để rửa.
3. Kiểm tra tình trạng ắc quy thường xuyên
Sẽ tiện dụng hơn nếu tài xế có một máy kiểm tra ắc quy để bên trong ô tô. Việc kiểm tra ắc quy thường xuyên sẽ giúp các tài xế sẽ nắm được tình trạng của ắc quy. Và thông qua các số liệu điện áp, tài xế cũng biết được khi nào nên thay ắc quy mới. Các loại pin điển hình, khi xe tắt máy, sẽ có điện áp dao động từ 12,4 – 12,9V.
4. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử khi đang tắt máy
Đây có lẽ là một trong những sai lầm phổ biến nhất của các chủ xe. Khi động cơ tắt, bạn không nên bật các thiết bị bên trong xe. Việc bật đèn và các thiết bị trong xe khi không nổ máy như hệ thống đèn pha, đèn xi-nha, đèn nội thất, hệ thống điều hòa, hệ thống âm thanh giải trí sẽ khiến ắc quy giảm điện nhanh chóng.
5. Không để ắc quy phải tải quá nhiều thiết bị
Trong mỗi chiếc xe, mọi thiết bị đều sử dụng một năng lượng nhỏ để duy trì hoạt động kể cả khi xe tắt máy (như đồng hồ, hệ thống khoá, hệ thống báo động…). Đối với những chiếc xe đã xuất xưởng thì điều này không phải là vấn đề. Tuy nhiên, với những chiếc xe đã xuất xưởng thì có 2 trường hợp xảy ra:
1. Rủi ro từ những mạch điện trong quá trình sử dụng (chập mạch, đoản mạch, linh kiện hỏng hóc…) có thể khiến xe tiêu hao nhiên liệu nhiều bất thường, cuối cùng làm cạn kiệt bình ắc quy.
2. Trong quá trình sử dụng, nhiều chủ xe thích độ, chế thêm các loại phụ kiện như đèn chiếu sáng, các thiết bị điện tử,…. Nhóm thiết bị này nếu không được tính toán, lắp đặt một cách chuẩn mực sẽ là mối đe doạ tới không chỉ ắc quy mà cả hệ thống điện của xe.
6. Để nước xâm nhập khoang máy
Rửa khoang máy là việc làm cần thiết giúp để bảo vệ động cơ và phát hiện ra những hư hỏng kịp thời. Nhưng sai lầm của nhiều chủ xe khi tự rửa xe tại nhà là không bọc kín các mạch điện, đầu ắc quy. Điều này có nguy cơ khiến ắc quy bị chập điện.
Bên cạnh đó, khi vào mùa mưa, nếu chẳng may xe bị ngập nước, lúc này nếu cố gắng khởi động lại xe sẽ khiến nước tràn vào đường dây, rắc cắm,… gây tác hại cho nguồn điện. Khi gặp tình trạng này, chủ xe không nên khởi động ngay, mà cần kéo xe đến xưởng dịch vụ để chăm sóc ô tô.
7. Liên tục di chuyển trên quãng đường ngắn
Đây là bệnh của hầu hết các xe thường xuyên vận hành trong thành phố. Việc thường xuyên phải đề nổ máy trên quãng đường ngắn sẽ khiến dung lượng của ắc quy nhanh giảm. Đối với các trường hợp thường phải di chuyển trên những quãng đường ngắn, bộ sạc sẽ không đủ năng lượng để sạc đầy ắc quy. Điều này cũng giống như việc cắm sạc liên tục chiếc điện thoại hay máy tính xách tay khiến pin sớm bị chai vậy.